
Mặc dù vấn đề thai nghén là tình trạng sinh lý tự nhiên nhưng việc có thai rồi sinh con đẻ cái không phải lúc nào cũng diễn ra thuận buồn xuôi gió. Các cơ quan nội tạng của người mẹ đặc biệt là tim, gan, phổi, thận… phải đảm nhiệm thêm trọng trách vì thai nhi đang phát triển thông qua cơ thể người mẹ. Chương này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối liên quan giữa gan và vấn đề thai nghén cùng những bệnh lý gan phát sinh trong thai kỳ. Một số bệnh gan xảy đến ngẫu nhiên trùng hợp vào lúc bệnh nhân đang mang thai nhưng cũng có một số bệnh gan chỉ xảy ra trên một người mang thai mà thôi; nghĩa là những bệnh gan này không bao giờ xảy đến cho người không mang thai. Một số bệnh gan khác lại do lây truyền từ mẹ sang con.

Trong suốt thai kỳ, một số phụ nữ mang thai có triệu chứng ngứa và vàng da. Điều này là do chất mật bị ứ lại trong máu rồi ngấm vào da. Nguyên nhân làm cho mật bị ứ đọng lại là do khi mang thai, chất nội tiết tố estrogen được tiết ra nhiều hơn và chất này làm thay đổi khả năng bài tiết túi mật và sắc tố mật bilirubin. Những người bị ngứa và vàng da trong lúc mang thai thường có “gốc di truyền” quá nhạy cảm với estrogen. Thậm chí những người này nếu dùng thuốc ngừa thai dạng uống có chứa estrogen cũng sẽ bị vàng da và ngứa tương tự như trên. Triệu chứng ngứa thường xuất hiện đầu tiên ở lòng bàn tay, bàn chân rồi sau đó lan đến các chỗ khác. Nếu bị vàng da nhẹ hoặc trung bình thì không có gì nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi. Tuy vậy, trong một số trường hợp, thai nhi có thể bị yếu, nguy cơ bị sinh non và có một tỉ lệ nhỏ, thai sẽ bị chết sớm ở trong bụng mẹ hoặc chết lúc mới sinh.

Hiện nay, người ta khuyên nếu có điều kiện thì những phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm tìm siêu vi viêm gan B vào tháng thứ hai hoặc thứ ba cuối thai kỳ. Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi B có nguy cơ rất cao sẽ bị lây nhiễm siêu vi này ngay lúc sau sinh nhất là những bà mẹ có xét nghiệm HBeAg dương tính. Những biện pháp phòng chống lây nhiễm cho đứa bé bao gồm chủng ngừa ngay lập tức trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; và nếu có điều kiện thì nên đồng thời chích thêm cho trẻ chất gammaglobulin đặc được gọi là HPIG tức là kháng thể kháng siêu vi B được điều chế sẵn để giúp bảo vệ cho trẻ tức thì. Khoảng 90-95% trẻ em sẽ tránh được nguy cơ lây bệnh và sẽ có khả năng đề kháng với bệnh lâu dài. Tuy nhiên, chất HPIG hiện chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và giá cả còn đắt, nhưng việc chủng ngừa siêu vi B đơn thuần vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ cho trẻ với điều kiện là phải cho trẻ tiêm chủng càng sớm càng tốt và đảm bảo tiêm đủ liều lượng, đúng thời gian. Những trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi viêm gan C thì ít có nguy cơ bị lây nhiễm hơn mặc dù việc lây truyền bệnh vẫn có thể xảy ra. Hiện nay do chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi C nên người ta không đề nghị làm xét nghiệm tìm siêu vi C ở các bà mẹ mang thai.

Nếu mẹ không bị nhiễm siêu vi B nhưng các thành viên khác trong gia đình bị nhiễm siêu vi B, trẻ nên được chủng ngừa càng sớm còn tốt. Hiện nay, người ta khuyên rằng nên chủng ngừa cho tất cả trẻ em, bởi vì bệnh viêm gan siêu vi B là một bệnh có thể xày ra bất cứ lúc nào và là một bệnh có thể phòng ngừa được. Ở nước ta hiện nay, việc chủng ngừa viêm gan siêu vi B đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên trong tương lai tỉ lệ người mang siêu vi B sẽ giảm đi rất nhiều

Những bà mẹ bị nhiễm siêu vi B có thể nuôi con bằng sữa mẹ vì sau khi chủng ngừa, trẻ được bảo vệ. Còn siêu vi C, người ta không biết bệnh này có lây truyền qua sữa mẹ hay không, nhưng nếu có thì nguy cơ cũng rất thấp. Do vậy, khi so sánh với lợi ích sữa mẹ, các nhà y học cũng không cấm đoán việc nuôi con bằng sữa mẹ ở những bà mẹ bị viêm gan siêu vi.